loading

Nội dung TPP có gì cần lưu ý?

Toàn văn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được công bố ngày 5-11-2015, chính thức mở toang tấm màn bí mật của hiệp định này. Có những kỳ vọng dường như đã không được thỏa mãn. Nhưng cũng có những lo lắng rốt cuộc đã được giải tỏa nhiều phần.

Chắc chắn sẽ cần rất nhiều thời gian để nghiền ngẫm những nội dung của TPP. Dù vậy, bước đầu đã có thể thấy trong đó một số câu trả lời cho những đồn đoán của doanh nghiệp ta lâu nay về những tác động cả tích cực lẫn tiêu cực, liên quan đến những nội dung nổi bật nhất.

Xuất khẩu: Lo xuất xứ hàng hóa nhưng dệt may có ngoại lệ

Toàn văn TPP dường như đã không khiến doanh nghiệp xuất khẩu của ta thất vọng. Lướt thật nhanh qua 11 biểu cam kết cắt giảm thuế quan của 11 nước đối tác TPP kèm theo chương 2 của TPP (đối xử quốc gia và mở cửa thị trường đối với hàng hóa), thấy tất cả đều cam kết loại bỏ thuế quan cho hầu hết các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam, đa số là ngay khi hiệp định có hiệu lực, một số nhỏ thì giảm dần và sẽ loại bỏ vài năm sau đó.

Nếu có gì đó “thất vọng”, thì đó chính là các quy tắc xuất xứ, điều kiện để được hưởng ưu đãi thuế quan mà các hàng hóa xuất khẩu sẽ phải đáp ứng thể hiện trong chương 3 (quy tắc xuất xứ) và chương 4 (quy tắc riêng đối với dệt may).

Doanh nghiệp nào từng xuất khẩu theo thuế quan ưu đãi đều hiểu chuyện quy tắc xuất xứ. Chỉ e rằng tất cả những quy tắc xuất xứ mà doanh nghiệp ta đã từng quen thuộc theo các FTA hoặc GSP trước đây đều sẽ không phải là những quy tắc sẽ được sử dụng trong TPP. Cùng là những nguyên tắc có tên gọi quen thuộc như chuyển đổi mã HS, giá trị nội khối hay hỗn hợp nhưng nội dung thì khác xa, chi li phức tạp hơn nhiều và vì thế cũng khó đáp ứng hơn nhiều.

Quy tắc xuất xứ trong TPP lại được quy định riêng cho từng nhóm sản phẩm, vì thế ai sản xuất cái gì phải tìm hiểu kỹ phần của mình chứ chẳng có quy tắc chung nào. Quy trình tự chứng nhận xuất xứ trong TPP là điểm rất mới với doanh nghiệp Việt Nam, tuy có mang lại hy vọng về việc tránh được các thủ tục hành chính rườm rà nhưng doanh nghiệp phải đánh đổi bằng trách nhiệm cao hơn, cũng phải chịu các biện pháp điều tra, xác minh phức tạp hơn.

Vấn đề còn lại là sự chủ động tìm hiểu và các nỗ lực chuẩn bị của từng người, từng doanh nghiệp, cho tương lai của riêng mình trong một tương lai lớn TPP.

Tin tốt là quy tắc xuất xứ đối với hàng dệt may, sản phẩm đặc biệt được đàm phán riêng trong TPP, dù rất khó khăn (đòi hỏi “từ sợi trở đi” phải được sản xuất trong các nước TPP) nhưng “Danh mục nguồn cung thiếu hụt tạm thời” (thực chất là danh mục các nguyên liệu ngoại lệ không phải tuân thủ quy tắc “từ sợi trở đi” trong vòng năm năm đầu) và “thường xuyên” (ngoại lệ vĩnh viễn) là tương đối dài, tới hơn 200 trường hợp cả thảy. Những sản phẩm nào đang dùng nguyên liệu liệt kê trong các danh mục này sẽ không phải lo lắng về câu chuyện “từ sợi trở đi”.

Đi cùng với thuế quan là nhiều cam kết khác gắn liền với xuất khẩu như hàng rào kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ (chương 7-8), phòng vệ thương mại (chương 6)... Những ai kỳ vọng rằng TPP sẽ giúp Việt Nam thoát khỏi “án treo” nền kinh tế phi thị trường trước 2019 hay mong rằng sau TPP các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp hay tự vệ sẽ được loại bỏ hoặc chí ít giảm bớt về số lượng, thì sẽ thất vọng, vì TPP không đả động gì tới chuyện này.

Nhưng những ai lo lắng rằng TPP sẽ đòi hỏi các tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ cao hơn đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thì lại có thể hoàn toàn yên tâm. Bởi theo cam kết được công bố, mọi thứ vẫn sẽ như trước đây. TPP không ấn định thêm tiêu chuẩn TBT, SPS nào, thậm chí còn giới hạn quyền ban hành tiêu chuẩn của các nước thành viên đối với một số sản phẩm (rượu, sản phẩm công nghệ thông tin...) và tạo thêm cho các nhà xuất khẩu các cơ hội để giải quyết sớm các vướng mắc về những tiêu chuẩn này trong quá trình xuất khẩu.

Nhập khẩu: vẫn còn thời gian chuẩn bị

Mở cửa thị trường nội địa bằng cách loại bỏ phần lớn các dòng thuế quan cho hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước TPP là cam kết đánh đổi đương nhiên của chúng ta trong TPP.

Trong suốt thời gian qua, bên cạnh những trông chờ ngấm ngầm của doanh nghiệp rằng sau TPP họ sẽ có thể mua sắm hàng hóa, nguyên liệu, thiết bị tốt từ các nước TPP với giá cả hợp lý hơn, là những quan ngại nghiêm trọng về khả năng mất thị trường nội địa vào tay các đối thủ sừng sỏ trong TPP, đặc biệt trong những ngành yếu thế như nông nghiệp, chăn nuôi...

Quan sát biểu cam kết thuế quan của Việt Nam trong TPP, thấy đúng là chúng ta phải cam kết cắt giảm, loại bỏ hầu như toàn bộ, với hơn 10.000 dòng thuế của biểu thuế. Âu cũng là việc không thể không làm, nếu các nước đối tác đã mở cửa cho chúng ta.

Dù vậy, ở những dòng cam kết về các sản phẩm được cho là nhạy cảm trong mở cửa hội nhập của Việt Nam, có thể thấy những nỗ lực của những người đi đàm phán trong việc giữ lộ trình thực thi dài, trong đó có nhiều sản phẩm chăn nuôi (thịt heo, thịt bò, gà... với lộ trình 4-13 năm), một số nông sản hoặc sản phẩm chế biến (hành tỏi, dưa chuột, nấm, đậu tương, ngũ cốc... với lộ trình đa số 3-6 năm), một số ngành công nghiệp như giấy, cơ khí, vật liệu xây dựng... Thậm chí, Việt Nam vẫn còn giữ được (không loại bỏ thuế) một số sản phẩm đặc biệt nhạy cảm như đường, trứng, muối...

Biểu cam kết thuế quan của Việt Nam trong TPP không làm chúng ta hết lo lắng cho những ngành có năng lực cạnh tranh còn yếu kém nhưng ít nhất cũng khiến chúng ta bình tĩnh hơn bởi thời gian chuẩn bị trước giờ G mở cửa hoàn toàn là có, thậm chí là tương đối dài. Vấn đề còn lại là chúng ta có thể tận dụng hiệu quả thời gian này hay không mà thôi.

Các vấn đề quy tắc ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp

Một trong nhiều lý do khiến TPP trở thành mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp là bởi đây không chỉ là một hiệp định mở cửa thị trường mà còn là khung thể chế, quy tắc mới can thiệp vào hoạt động kinh doanh hàng ngày của doanh nghiệp.

Về lao động, điều lo lắng nhất của doanh nghiệp Việt Nam đã không xảy ra: TPP không buộc các nước phải nâng cao tiêu chuẩn về lao động so với hiện hành. TPP chỉ yêu cầu tuân thủ các quy tắc về lao động cưỡng bức và lao động trẻ em, vấn đề mà pháp luật Việt Nam hiện đang quy định. Đòi hỏi được nhắc tới nhiều trong TPP là quyền tự do thành lập công đoàn riêng, độc lập với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam thì kỳ thực với doanh nghiệp, có lẽ cũng không phải vấn đề lớn.

Tương tự, về môi trường, TPP đã không đặt thêm tiêu chuẩn cụ thể nào về môi trường mà các doanh nghiệp khi sản xuất kinh doanh phải đáp ứng thêm. Phần lớn là các cam kết từ góc độ nhà nước trong trách nhiệm tăng cường công tác bảo vệ môi trường. Một số nghĩa vụ cụ thể của Nhà nước liên quan tới việc giảm trợ cấp đối với đánh bắt cá ảnh hưởng tới môi trường, thực thi triệt để các quy tắc liên quan tới giảm ô nhiễm từ tàu biển... được cho là có thể tác động nhưng không lớn tới các doanh nghiệp Việt Nam liên quan.

Về doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp hiện đang có 50% vốn Nhà nước trở lên sẽ vui mừng với nội dung TPP, bởi mặc dù đưa ra các quy tắc để nhóm này phải cạnh tranh công bằng với doanh nghiệp dân doanh, TPP chỉ áp dụng với các doanh nghiệp có quy mô vốn ở mức quy định (mà xem ra với mức nêu trong TPP thì ở Việt Nam, số doanh nghiệp phải tuân thủ TPP chỉ đếm trên đầu ngón tay). Và hẳn nhiên, những người thầm mong TPP sẽ là một sức ép hữu hiệu cho tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước, đem lại công bằng trong cạnh tranh, sẽ thất vọng nhiều lắm.

Sẽ còn cần rất nhiều thời gian để nghiền ngẫm và bàn thảo về các nội dung TPP. Và sẽ còn cần nhiều hơn thế thời gian để biến các cơ hội ẩn giấu trong các con chữ TPP thành hiện thực cũng như để vượt qua các thách thức bày ra từ đó. Vấn đề còn lại là sự chủ động tìm hiểu và các nỗ lực chuẩn bị của từng người, từng doanh nghiệp, cho tương lai của riêng mình trong một tương lai lớn TPP.

Nguồn: thesaigontimes

Hotline

Hotline: 0274. 375.1617

KINH DOANH 

Email: thien.pham@beton6.com

 



Beton 6 là đại diện duy nhất trong mọi giao dịch hợp đồng cung cấp cấu kiện bê tông đúc sẵn, hợp đồng cung cấp dịch vụ có liên quan (vận chuyển, đóng ép cọc, lao phóng dầm), hợp đồng thi công các dự án xây dựng hạ tầng giao thông, xây dựng dân dụng và công nghiệp.





chứng nhận
chất lượng

Đăng ký nhận bản tin

Liên kết
với chúng tôi

KM1877, Quốc lộ 1K, Phường Bình An, Thành phố Dĩ An, Tỉnh Bình Dương Việt Nam

  •  0274. 375 1617
  •   info@beton6.com
Copyright © 2015 - 2024 Beton 6 All rights reserved
84-28-3899.8100