Với số vốn dư kể trên sẽ tính toán giá trị quyết toán để tính lại thời gian thu phí hoàn vốn chính thức...
Số vốn chưa sử dụng theo tổng mức được duyệt tại bốn dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên là 559 tỷ đồng
Đại diện Ban PPP (Bộ GTVT) cho biết, với số vốn dư kể trên sẽ tính toán giá trị quyết toán để tính lại thời gian thu phí hoàn vốn chính thức của các dự án này. Dự báo thời gian thu phí sẽ giảm từ 1 đến 89 tháng.
Dự án dư vốn nhiều nhất hơn 4.200 tỷ đồng
Theo ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng, Trưởng ban PPP, 35 dự án BOT do Bộ GTVT quản lý có tổng mức đầu tư ban đầu được duyệt là 124.892 tỷ đồng. Sau khi tiến hành rà soát, giá trị dự toán các dự án được Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) thẩm tra, chủ đầu tư phê duyệt hoặc dự kiến phê duyệt là 112.574 tỷ đồng. “Số vốn chưa sử dụng theo tổng mức đầu tư được duyệt so với giá trị dự toán khoảng 12.318 tỷ đồng”, ông Huy nói và dẫn chứng cụ thể, 22 dự án trên QL1 chưa sử dụng 8.407 tỷ đồng, bốn dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên là 559 tỷ đồng và 9 dự án khác là 2.946 tỷ đồng.
Theo thông tin của Báo Giao thông, dự án có giá trị dự toán tiết giảm vốn nhiều nhất so với tổng mức đầu tư được duyệt gồm: Dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ Đèo Cả trên QL1 qua địa phận hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hoà (giảm 4.225 tỷ đồng), đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (giảm 1.962 tỷ đồng), QL1 đoạn Nghi Sơn - Cầu Giát (giảm 844 tỷ đồng), QL1 đoạn Km1488 - Km1525, phía Nam tỉnh Khánh Hoà (giảm 508 tỷ đồng), QL1 đoạn Km 1063+877 - Km 1092+577, tỉnh Quảng Ngãi (giảm 476 tỷ đồng), cầu Việt Trì (giảm 463 tỷ đồng)…
Đề cập tới việc giá trị dự toán của các dự án giảm so với tổng mức đầu tư, lãnh đạo Ban PPP lý giải, do các công trình rút ngắn thời gian xây dựng từ 2 - 15 tháng nên đã giảm được chi phí lãi vay trong thời gian thi công cũng như tiết giảm chi phí dự phòng cho công trình. Điển hình, dự án xây dựng cầu Cổ Chiên rút ngắn tiến độ 15 tháng, dự án QL1 đoạn Nam Bến Thuỷ - Tuyến tránh TP Hà Tĩnh rút ngắn 9 tháng, dự án QL1 đoạn Km597 - Km605 và đoạn Km617 - Km641, tỉnh Quảng Bình rút ngắn 8 tháng, dự án QL1 đoạn Km947 - Km1027, tỉnh Quảng Nam rút ngắn 6 tháng…
“Đồng thời, nhiều công trình được điều chỉnh quy mô phù hợp với nhu cầu vận tải đối với một số đoạn qua các khu đô thị và áp dụng các giải pháp kỹ thuật kinh tế hơn”, ông Huy cho hay.
Dư vốn do đâu?
Chia sẻ về giải pháp để tiết giảm tổng mức đầu tư dự án lên tới 4.225 tỷ đồng, chiều 19/10, trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Quỳnh Mai, Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả (nhà đầu tư dự án xây dựng hầm đường bộ Đèo Cả) khẳng định, yếu tố quan trọng nhất là dự án đã chuyển đổi nguồn vốn đầu tư từ việc sử dụng nguồn vốn trong nước thay vì dùng vốn vay nước ngoài.
Theo ông Mai, ban đầu, dự án được đầu tư theo hình thức tổng thầu EPC, sử dụng vốn vay của các ngân hàng nước ngoài (Ngân hàng Pháp và nhà thầu Pháp). Tuy nhiên, do gặp nhiều vướng mắc trong khâu huy động vốn và chi phí thu xếp vốn, các dịch vụ khác khá cao và yêu cầu cần bảo lãnh vay vốn từ Chính phủ nên công trình phải trì hoãn nhiều năm. Sau khi lãnh đạo Bộ GTVT chuyển hướng sử dụng vốn của nhà tài trợ trong nước, đồng thời với sự đồng thuận của Ngân hàng Vietinbank, tổng mức đầu tư đã được tiết giảm hơn 4 nghìn tỷ đồng, nhà đầu tư và đơn vị thi công dự án cũng 100% là của Việt Nam.
“Đây là yếu tố quan trọng nhất để dự án tiết giảm được tổng mức đầu tư, bởi nếu triển khai theo hình thức tổng thầu EPC với các quy định ràng buộc về hợp đồng, các nhà thầu trong nước sẽ chỉ làm thầu phụ sẽ không thể tiết giảm được tổng mức đầu tư nhiều như hiện nay”, ông Mai nói.
Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai dự án, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng, nhà đầu tư đã tiến hành rà soát lại, điều chỉnh kỹ thuật một số hạng mục như: Thay đổi chiều dày vỏ hầm, cầu thép được thay bằng cầu bê tông, tận dụng tối đa các tuyến đường lâm sinh của địa phương để làm đường công vụ, đặc biệt việc điều chỉnh hướng tuyến của Tư vấn Nippon koei đã giảm chiều dài hầm từ 5,6 km xuống 4,2 km góp phần đẩy nhanh tiến độ và giảm chi phí đáng kể cho dự án. “Những biện pháp điều chỉnh kỹ thuật hợp lý đã tiết giảm cả nghìn tỷ đồng chi phí cho dự án mà không ảnh hưởng gì đến quy mô, kết cấu cũng như hiệu quả sử dụng của công trình”, ông Mai khẳng định.
Hay tại dự án BOT tuyến tránh Phủ Lý và tăng cường mặt đường QL1 đoạn Km 215+775 - Km 235+885, tỉnh Hà Nam do Công ty CP Đầu tư Hạ tầng FCC làm nhà đầu tư với tổng mức đầu tư được phê duyệt 2.047 tỷ đồng, qua rà soát dự toán của dự án là 1.693 tỷ đồng, tiết giảm được 353 tỷ đồng. Ông Muôn Văn Chiến, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Hạ tầng FCC cho biết: “Tiến độ thực tế của dự án dự kiến sẽ rút ngắn 6 tháng, chi phí dự phòng và trượt giá của dự án tiết giảm được 253 tỷ đồng, đồng thời dự án tiết kiệm được 76 tỷ đồng lãi vay khi thời gian xây dựng hoàn thành sớm hơn kế hoạch... là những yếu tố kéo giảm kinh phí đầu tư của dự án so với tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu”.
Liên quan đến thời gian thu phí hoàn vốn của 35 dự án BOT, hiện tại Ban PPP đã cập nhật phương án tài chính theo giá trị dự toán và mức thu phí theo Thông tư 159 của Bộ Tài chính với thời gian hoàn vốn của các dự án dự kiến sẽ giảm từ 1 - 89 tháng. Trong đó, các dự án có thời gian thu phí dự kiến giảm nhiều nhất so với hợp đồng là: QL1 đoạn Km 1063+877 - Km 1092+577, tỉnh Quảng Ngãi giảm 89 tháng; QL1 đoạn Km1488 - Km1525, phía Nam tỉnh Khánh Hoà giảm 60 tháng; QL14 đoạn Pleiku - Cầu 110 Km 1610+00 - Km 1667+570 giảm 58 tháng; QL14 đoạn Km 1793+600 - Km 1824+00, tỉnh Đắk Nông giảm 56 tháng,…
Nguồn: Baogiaothong